Bản đồ Thăng Long theo Hồng Đức Địa Dư (1490) – Plan de Thang-long 2

BỘ BẢN ĐỒ HỒNG ĐỨC QUA TẤM BẢN ĐỒ KINH THÀNH THĂNG LONG

Bản đồ Hồng Đức là bộ bản đồ địa lí đầu tiên của nước ta. Bộ bản đồ được thực hiện từ năm Quang Thuận thứ 8 (1467)(1) theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), được hoàn tất và ban hành vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490)(2). Bộ bản đồ phản ánh phạm vi cương giới, hệ thống hành chính nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ 15. Bộ bản đồ gồm: bản đồ nước Đại Việt, bản đồ kinh thành Thăng Long, bản đồ 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh thời đó được gọi là thừa tuyên.
Bộ bản đồ còn đươc lưu lại đến ngày nay bằng những bộ sưu tập bản đồ địa lý, gồm bộ bản đồ Hồng Đức và một số bản đồ khác, do người đời sau thực hiện. Hiện nay, tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm người ta thấy có đến 10 cuốn sách loại này. Đó là:
1. Hồng Đức bản đồ, A.2499
BẢN ĐỒ 1 KÝ HIỆU A.2531 .
2. Hồng Đức bản đồ, VHt, 41
BẢN ĐỒ 2 KÝ HIỆU VHt.41
3. An Nam quốc, Trung Đồ tính thập tam thừa tuyên hình thế đồ hoạ A.2531
BẢN ĐỒ 3 KÝ HIỆU A.3034
4. An Nam hình thắng đồ A.3034
BẢN ĐỒ 4 KÝ HIỆU A.2499
5. Thiên Nam Lộ đồ, A.1081
BẢN ĐỒ 5 KÝ HIỆU A.1081
6. Nam Việt bản đồ A.1603
BẢN ĐỒ 6 KÝ HIỆU A.73
7. Giao Châu dư địa chí, VHt.30
BẢN ĐỒ 7 KÝ HIỆU VHt.30- A.2716
8. Thiên tải nhàn đàm, A.584
BẢN ĐỒ 8 KÝ HIỆU A.2006
9. Thiên tải nhàn đàm, 2006
BẢN ĐỒ 9 KÝ HIỆU A.581
10. Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn, A.1362
Trong số 10 cuốn sách nói trên, 4 cuốn (các số 1, 2, 3, 4) có ghi năm tháng bộ bản đồ được ban hành (ngày mồng 6 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (1490)(3).
Về niên đại, có 2 cuốn sách hoàn thành vào cuối thế kỷ 18; 5 cuốn vào nửa đầu thế kỷ 19, 3 cuốn không ghi niên đại.
Về nội dung, bộ bản đồ nước Đại Việt trong 10 cuốn sách nói trên giống nhau về đại thể (phạm vi cương giới, hệ thống hành chính, địa hình, đại vật thể hiện). Sự đồng dạng đó nói lên, phải chăng chúng đều bắt nguồn từ bộ Bản Đồ Hồng Đức ban hành vào năm 1490(?). Đây là vấn đề phức tạp chỉ có thể được kết luận dựa trên những căn cứ khoa học.
Ở bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu tấm bản đồ kinh thành Thăng Long được gọi là Phù Trung Đô trong những bản đồ đó mà chúng tôi đã so sánh, chọn lọc để sử dụng trong công trình nghiên cứu về thành Thăng Long.
Bản đồ kinh thành Thăng Long được thể hiện trong 10 cuốn sách nói trên, giống nhau về địa hình, đại vật tổng quát của kinh thành và vùng kế cận. Song, những chi tiết thể hiện sự cấu trúc của hoàng thành có khác nhau. Sự khác nhau đó xin khái quát giới thiệu như sau (theo số thứ tự bản đồ ở trên):
Bản đồ số 1:
Cấm thành hình vuông, thể hiện một quần thể kiến trúc cung điện theo một đường trục từ năm lên bắc: Cửa chính Nam, cửa Đoan Mỡn, toà điện không tên, điện Thị Triều, điện Kính Thiên, toà điện không tên. Bên trái toà điện không tên cuối cùng đề hai chữ Ngọc hà. Bên phải đề hai chữ Chí Kính. Không rõ hai khu vực này là cung điện hay một vật thể kiến trúc gì đó. Phía sau khu vực có tên là Ngọc Hà, đề ba chữ Vạn Thọ điện, tức là Điện Vạn Thọ, tuy không vẽ cung điện. Phía tây điện Vạn Thọ, cho đến Cửa Tây cấm thành (chếch về phía tây bắc) trên bản đồ không vẽ gì.
Phía đông cấm thành là Đông Cung và Thái Miếu. Hai khu này ngăn cách nhau bằng một bức tường gấp khúc từ phía đông sang phía tây nam. Cửa Đông cung kề gốc đông nam cấm thành. Khu Đông Cung có hồ lớn hình bầu dục hướng bắc nam. Khu Thái Miếu vẽ một toà điện và trước mặt là một hồ lớn hình bầu dục theo hướng đông tây.
Phía trước cấm thành là một dải đất hẹp có tường vây phía trước, mỗi đầu có một cửa quay về hai hướng đông và tây. Trên dải đất đó, phía đông đề ba chữ Đông Trường An, phía tây đề ba chữ Tây Trường An.
Phía trước, bên ngoài tường vây là một hồ lớn chạy từ đông sang tây, trên hồ có nhà thuỷ tạ.
Bản đồ số 2:
Cấm thành hình vuông, không thấy vẽ cửa. Trên tường thành phía nam có 4 toà điện. Trên bức tường thứ 2 chạy song song vẽ 3 toà điện. Trên bức tường thứ 3 cũng chạy song song, vẽ 1 toà điện ở đầu phía tây. ở hình chữ nhật phía đông bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện. Cắt đôi bức tường thành thứ 3 là một đoạn tường cụt chạy từ tường thành phía bắc đến giữa cấm thành. Không một toà điện nào được đề tên.
Đông Cung và Thái Miếu, đại thể như bản đồ số 1, trong vẽ cửa Đông Cung.
Phía trước cấm thành, vẽ ký hiệu một bức tường chạy suốt đến tường phía đông hoàng thành (lớp tường bên ngoài). Ba chữ Đông Trường An đề trước cấm thành (không đề chữ Tây Trường An). Hồ nước trước cấm thành và Thái Miếu, đại thể như bản đồ số 1.
Bản đồ số 3:
Cấm thành hình chữ nhật, không vẽ một cửa nào. Trong ô chữ nhật ở giữa chếch về phía bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện.
Không vẽ Đông Cung và Thái Miếu.
Trước cấm thành, giữa đề 3 chữ Đông Trường An chếch, về phía tây đề 3 chữ Tây Trường An.
Bản đồ số 4:
Cấm thành hình chữ nhật, liền với Đông Cung. Cửa nam đề hai chữ Triều Nguyên. Phía sau là cửa Đoan Môn. bên đông và tây Đoan Môn, mỗi bên vẽ hai toà điện nối tiếp, không đề tên là điện gì. Tiếp sau là một toà điện đề 2 hàng chữ Thị Triều, Kính Thiên. Bên đông và tây điện này, mỗi bên vẽ hai toà điện nối tiếp, không đề tên là điện gì.
Vị trí Thái Miếu và hồ trước mặt giống bản đồ số 1.
Bản đồ số 5:
Cấm thành hình vuông, có vẽ cửa, vị trí như bản đồ số 1. Cửa Nam và cửa Đoan Môn, mỗi cửa vẽ 3 lối ra vào. Sau cửa Đoan Môn, kế tíep nhau là hai hàng chữ Thị Triều, Kính Thiên, không vẽ toà điện nào. Góc đông bắc là Ngọc Hà, Văn Thọ Điện, như bản đồ số 1. Tường phía đông chỉ vẽ đến bức tường có cửa Đoan Môn.
Đông Cung – Thái Miếu, khác bản đồ số 1, là từ phía đông, bức tường ngăn cách qua một lần gấp khúc (bản đồ số 1 hai lần gấp khúc), rồi đi về phía tây gặp cấm thành.
Trước cấm thành không có Đông và Tây Trường An.
Bản đồ số 6.
Cấm thành hình vuông, không vẽ cửa. Bên trong vẽ 2 bức tường chạy song song theo hướng đông – tây. ở giữa vẽ mấy đoạn tường cụt hoặc thước thợ. Góc đông bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện. Ngoài ra, không vẽ hoặc đề tên một cung điện nào.
Đông Cung – Thái Miếu không có tường ngăn cách, không vẽ cửa. Hồ ở giữa. Góc đông bắc đề 3 chữ Càn Thọ Điện.
Trước cấm thành không vẽ gì, không đề Đông và Tây Trường An, không vẽ hồ nước, kể cả hồ trước Thái Miếu.
Bản đồ số 7 và 8
Hai bản đồ này giống nhau, vì cùng một tác giả.
Cấm thành hình chữ nhật. Không vẽ tường phía nam cấm thành, chỉ vẽ cửa Đoan Môn chia làm 3 ngăn. Sau Đoan Môn đề hai chữ Thị Triều, tiếp đó là một bức tường bên đông đề hai chữ Vạn Thọ.
Đông Cung và Thái Miếu không có tường ngăn cách. Góc đông bắc đề hai chữ Càn Thọ.
Ba chữ Đông Trường An để ở bên ngoài hoàng thành. Ba chữ Tây Trường An để ở góc tây nam cấm thành.
Bản đồ số 9
Cùng tác giả với bản đồ số 7 và 8. Chỗ khác là: cửa Đoan Môn đề là Ngọc Môn, chữ Kính Thiên đề ở khu vực bên trong phía tây cấm thành.
Bản đồ số 10.
Vẽ tồi nhất. Không vẽ cấm thành. Trong lớp tường hoàng thành, vẽ Điện Kính Thiên, Điện Vạn Thọ. Đông Cung và Thái Miếu. Hồ trước cấm thành và Thái Miếu vẽ liền nhau.
Ngoài ra, trong sách Đại Nam tổng mục lục đại toàn, ký hiệu A73, có bản đồ Sơn Tây vẽ năm Tự Đức thứ 9 (1856), bản đồ thành Thăng Long cũng đại thể giống bản đồ số 6. Chỗ khác là giữa cấm thành đề 3 chữ “Kính Thiên Điện” và 3 chữ “Vạn Thọ Điện”, đề ở cả ô chữ nhật cuối cùng. Cuốn sách này không vẽ bản đồ 13 thừa tuyên.
Như vậy, nếu kể riêng bản đồ kinh thành Thăng Long, như giới thiệu ở trên, có đến 11 bản đồ. Song xét về mức độ phản ánh và kỹ thuật thể hiện, thì bản đồ số 1 là hoàn chỉnh và sắc sảo hơn cả. Những bản đồ khác, nhược điểm chung là sơ lược về thể hiện và thô kệch về kỹ thuật thể hiện.
Còn về mức độ chính xác, chỉ có thể đi đến kết luận sau khi đã đối chiếu, so sánh với những nguồn tư liệu khác (tư liệu thành văn, di tích trên thực địa …) Vừa qua, trong quá trình nghiên cứu về thành Thăng Long, so sánh đối chiếu 11 bản đồ với nhau và với những nguồn tư liệu khác, tôi thấy bản đồ số 1 là chính xác hơn cả. Chỉ có bản đồ đó mới thể hiện rõ nét quần thể kiến trúc cung điện trong cấm thành mà ngày nay trên thực địa vết tích những công trình chủ yếu vẫn còn (cửa Đoan Môn và nền Điện Kính Thiên). Chỉ có bản đồ đó mới cung cấp cho ta nguồn thông tin tương đối đầy đủ để tìm hiểu vị trí thành Thăng Long mà nay ta đang quan tâm tìm kiếm.
Cũng vì vậy, tôi đã chọn bản đồ số 1, tức bản đồ Phru Trung Đô trong sách Hồng Đức bản đồ, ký hiệu A.2499, làm cơ sở cho việc đối chiếu với các nguồn tư liệu khác để phác hoạ vị trí của thành Thăng Long. Bản đồ này đã được giới thiệu trên báo Hà Nội mới, số ra ngày chủ nhật, mồng 4 tháng 8 năm 1985.
Song, đây chỉ là một bộ phận trong bộ bản đồ Hồng Đức. Dù có hoàn chỉnh, chính xác hơn các bản đồ khác cũng chưa đủ cơ sở để nói lên bộ bản đồ Hồng Đức trong sách Hồng Đức bản đồ ký hiệu A.2499 có gần gũi với bộ bản đồ ban hành năm 1490 hay không.
Việc so sánh, chọn lọc một bộ bản đồ Hồng Đức tiêu biểu nhất để biên dịch, chú giải, xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về môn khoa học địa lý lịch sử vẫn là một yêu cầu đang được đặt ra đối với các nhà Hán Nôm học hiện nay.
PHẠM HÂN
———————————

CHÚ THÍCH
(1) (2) Đại việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), tập III, Nxb KHXH, 1972, tr. 210, 306.
(3) Toàn thư chép việc Lê Thánh Tông ban hành bộ bản đồ này vào ngày mồng 5 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (1490).

Bản đồ Thăng Long theo Hồng Đức Địa Dư (1490) – Plan de Thang-long

Biên tập: 36phophuong.vn

Giới thiệu giaothonghanoi
Cập nhật thông tin giao thông Hà Nội.

Bình luận về bài viết này

Giao thông Hà Nội

Cập nhật thông tin hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội